Di tích kiến trúc tôn giáo Du_lịch_Bình_Định

Chùa Thập Tháp (Thập Tháp Di Đà)

Chùa Thập Tháp do nhà sư Nguyên Thiều thiền phái Lâm Tế (pháp danh Siêu Bạch) dựng vào năm 1665, thời chúa Nguyễn Thái Tông, chùa thuộc KP Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn 27 km về hướng Tây Bắc. Chùa tọa lạc trong phạm vi thành Đồ Bàn, đế đô của vương quốc Chămpa cũ. Chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển "Thập Tháp Di Đà Tự". Đến nay Chùa đã có lịch sử 340năm. Chùa có 4 khu chính bao gồm: Chánh điện, Phương trượng, Đông đường và Tây đường. Chính điện có Đại Hùng Bảo điện và 2 gian thờ phụ hai bên. Bên trong nội thất được trang trí, chạm trổ tinh vi với các họa tiết hoa sen, xấp sách, hoa cuộn trên gỗ quý, những đường nét rồng bay, phượng múa cách điệu rất trang nhã. Chùa xây bằng gạch nung đỏ lấy từ 10 ngọn tháp Chàm đổ nát ở đồi Long Bích nên mới gọi là chùa Thập Tháp. Chùa Thập Tháp là một trong những ngôi chùa lớn và cổ xưa nhất ở Bình Định cũng như miền trung được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật văn hóa năm 1990.

Chùa Long Khánh

Nằm ở trung tâm thành phố Quy Nhơn, trên đường Trần Cao Vân.Chùa được xây dựng vào năm 1715,dưới thời vua Lê Dụ Tông, do tổ sư Đức Sơn - người Trung Quốc sáng lập. Lúc bấy giờ chủ yếu là phục vụ cho cộng đồng người Hoa ở quanh vùng. Tính đến nay, chùa Long Khánh đã qua 14 đời trụ trì. Chùa hiện còn lưu giữ một số bảo vật quý như: Chiếc khánh đồng dùng để khai hiệu lệnh, dài 75 cm, cao 25,5 cm được đúc vào thời điểm khánh thành chùa (1715); Thái Bình Hồng Chung (chuông Hồng Thái) được đúc vào năm 1805, triều vua Gia Long, và tấm dấu biểu trưng Long Khánh Tự được kiến tạo vào năm 1813 thời vua Gia Long.

Chùa Sơn Long

Chùa nằm trên địa phận xã Nhơn Bình, Tp. Quy Nhơn. Chùa do Thiền sư Bửu Quang khởi dựng vào cuối thế kỷ 17 có tên là Thiền Thất Giang Long ở huyện Tuy Viễn, phủ Tuy Ninh, trấn Bình Định. Chùa tọa lạc trên sườn núi Trường Úc. Đến năm 1744, chùa được Thiền sư Thanh Thiền cho di chuyển về địa điểm hiện nay sát chân núi, cách cầu Trường Úc 700m về hướng đông và đổi tên là chùa Sơn Long.
Tương truyền, dưới chân núi phía sau chùa, xưa kia có một tảng đá rất lớn trông như miệng rồng có hàm trên, hàm dưới với một cái lưỡi nhô ra nên gọi là đá Hàm Long. Nay do sự tàn phá của thời gia nên dấu ấn này không còn nữa. Trong chùa có 15 ngôi mộ tháp lớn nhỏ, có những ngôi mộ vẫn còn giữ nét rêu phong, cũ kỹ của mấy trăm năm về trước, có mộ tháp đã được trùng tu khang trang hơn. Đến Sơn Long, bạn còn được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Lồi 7 đầu rồng bằng đá nặng 1,5 tấn, cao 3,1m với hoa văn chạm khắc sau lưng. Bức tượng này được xác định của người Chăm tạc từ thế kỷ thứ 8.

Chùa Linh Phong

Được xây dựng năm 1702 trên lưng chùng một ngọn đồi nằm phía nam Núi Bà, thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, cách Tp, Quy Nhơn khoảng 30 km về phía Bắc. Chùa có lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra biển, xung quanh có sông uốn lượn, phong cảnh thanh tao kỳ vĩ, không gian tĩnh mịch, với tên ban đầu là Dũng Tuyền, đến năm 1733, chúa Nguyễn Phúc Chu xuống chiếu cho xây lại chùa và đổi tên là Linh Phong, ban cho sư trụ trì (ông Núi) pháp hiệu "Tĩnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền Sư". Có truyền thuyết kể rằng vua Minh Mạng nằm mơ được Đại Lão thiền sư dâng thuốc chữa khỏi bệnh nên đã xuống chiếu cấp bạc để trùng tu lại chùa năm 1892. Hiện Chùa còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị.

Tu viện Nguyên Thiều

Chùa được xây dựng vào năm 1956 trên một quả đồi gần tháp Bánh Ít, thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Bên phải Phật đài có bức tượng Thích Ca màu trắng cao 15m, ngồi thiền trên đài sen được xây vào năm 1962. Hai bên thành bậc lên xuống Phật đài có chạm hình con rồng uốn lượn trông rất đẹp.

Nhà thờ chính tòa - Nhà thờ Lớn

Nằm trung tâm thành phố Quy Nhơn, trên đường Trần Hưng Đạo. Nhà thờ chính tòa được xây dựng vào năm 1938 theo lối kiến trúc Pháp và Gô Tích châu Âu.